TÁC DỤNG BẤT NGỜ CỦA VITAMIN C

Tác dụng của vitamin C không những giúp tăng cường đề kháng mà còn hỗ trợ ngăn ngừa nhiều bệnh. PGS. TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ những lợi ích của vitamin C để bạn bổ sung vào thực đơn hàng ngày.

Vitamin C là một loại vitamin thiết yếu, có nghĩa là cơ thể bạn không thể tự sản xuất ra. Đây là vitamin hòa tan trong nước và được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau quả như cam, dâu tây, quả kiwi, ớt chuông, bông cải xanh, cải xoăn, cải bó xôi … 

Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là 75 mg đối với phụ nữ và 90 mg đối với đàn ông. Sau đây là 7 tác dụng của vitamin C đối với sức khỏe mà bạn có thể bất ngờ. 

Giảm nguy cơ bệnh mạn tính 

Vitamin C chống oxy hóa mạnh có khả năng cường hệ miễn dịch phòng thủ tự nhiên của cơ thể. 

Chất chống oxy hóa là các phân tử giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bảo vệ các tế bào khỏi các phân tử có hại được gọi là các gốc tự do. Khi các gốc tự do tích tụ, chúng có thể thúc đẩy trạng thái căng thẳng oxy hóa, có liên quan đến nhiều bệnh mạn tính.

Các nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ nhiều vitamin C hơn có thể làm tăng lượng chất chống oxy hóa trong máu của bạn lên đến 30%. Điều này giúp “hàng rào phòng thủ” của cơ thể chống lại chứng viêm. 

Giảm nguy cơ bệnh tim 

Bệnh tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu

Theo WHO, bệnh tim chính là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim có thể là huyết áp cao, chất béo trung tính cao hoặc mức cholesterol LDL (xấu) cao và mức cholesterol HDL (tốt) thấp. Vitamin C có thể giúp giảm các yếu tố nguy cơ này, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một phân tích của 9 nghiên cứu với tổng số 293.172 người tham gia cho thấy sau 10 năm, những người bổ sung ít nhất 700 mg vitamin C mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 25% so với những người không bổ sung vitamin C. 

Một phân tích khác của 13 nghiên cứu đã xem xét tác động của việc uống ít nhất 500 mg vitamin C mỗi ngày đối với các yếu tố nguy cơ của bệnh tim, chẳng hạn như mức cholesterol trong máu và chất béo trung tính. Kết quả phân tích cho thấy vitamin C làm giảm đáng kể lượng cholesterol LDL (xấu) xuống khoảng 7,9 mg/dL và chất béo trung tính trong máu giảm khoảng 20,1 mg/dL. 

Giúp kiểm soát huyết áp 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể giúp giảm huyết áp ở cả những người có huyết áp cao và không bị huyết áp cao. 

Một phân tích của 29 nghiên cứu trên người cho thấy rằng việc bổ sung vitamin C làm giảm huyết áp tâm thu 3,8 mmHg và huyết áp tâm trương 1,5 mmHg ở người lớn khỏe mạnh. 

Ở người lớn bị huyết áp cao, bổ sung vitamin C làm giảm trung bình 4,9 mmHg huyết áp tâm thu và 1,7 mmHg huyết áp tâm trương. 

Mặc dù những kết quả này đầy hứa hẹn nhưng vẫn chưa rõ liệu tác động lên huyết áp có lâu dài hay không. Hơn nữa, những người bị huyết áp cao cũng không nên chỉ dựa vào vitamin C để điều trị. 

Ngăn ngừa nguy cơ bệnh gout 

Bệnh gout có liên quan đến viêm khớp, đặc biệt là ngón chân cái với triệu chứng sưng tấy và các cơn đau dữ dội. Các triệu chứng của bệnh gout xuất hiện khi có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric là một chất thải của cơ thể. Chất thải này có thể kết tinh và lắng đọng trong khớp. 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể giúp giảm axit uric trong máu, do đó ngăn ngừa các cuộc tấn công của bệnh gout. 

Một nghiên cứu trên 1.387 nam giới cho thấy những người bổ sung nhiều vitamin C có nồng độ axit uric trong máu thấp hơn đáng kể so với những người tiêu thụ ít. 

Một nghiên cứu khác đã theo dõi 46.994 người đàn ông khỏe mạnh trong hơn 20 năm để xác định xem liệu lượng vitamin C có liên quan đến việc phát triển bệnh gout hay không. Kết quả cho thấy những người bổ sung vitamin C có nguy cơ mắc bệnh gout thấp hơn 44%. 

Ngăn ngừa thiếu sắt:

Sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng rất cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu và vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Nếu bạn có lượng sắt thấp, vitamin C có thể giúp cải thiện sự hấp thụ sắt từ chế độ ăn uống hàng ngày. 

Vitamin C hỗ trợ chuyển hóa sắt được hấp thụ kém, chẳng hạn như các nguồn sắt từ thực vật, thành dạng dễ hấp thu hơn. Điều này đặc biệt hữu ích cho những người theo chế độ ăn kiêng thịt, vì thịt là nguồn cung cấp sắt chính. 

Trong một nghiên cứu, 65 trẻ em bị thiếu máu do thiếu sắt nhẹ được bổ sung vitamin C. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ riêng chất bổ sung đã giúp kiểm soát chứng thiếu máu của trẻ. 

Thực tế, bạn chỉ cần tiêu thụ 100 mg vitamin C có thể cải thiện sự hấp thụ sắt lên 67%. Nhờ đó, vitamin C có thể giúp giảm nguy cơ thiếu máu ở những người dễ bị thiếu sắt. 

Bảo vệ trí não minh mẫn 

Chứng sa sút trí tuệ thường gặp ở người lớn tuổi. Ảnh: nguồn Internet

Sa sút trí tuệ là một thuật ngữ rộng được sử dụng để mô tả các triệu chứng của trí não khi suy nghĩ và trí nhớ kém. Chứng bệnh này ảnh hưởng đến hơn 35 triệu người trên toàn thế giới và thường xảy ra ở những người lớn tuổi. 

Các nghiên cứu cho thấy stress oxy hóa cùng chứng viêm gần não, cột sống và dây thần kinh (gọi chung là hệ thần kinh trung ương) có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh. Hàm lượng vitamin C thấp có liên quan đến tình trạng suy giảm khả năng suy nghĩ và ghi nhớ. 

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị sa sút trí tuệ có thể có lượng vitamin C trong máu thấp hơn. Hơn nữa, lượng vitamin C cao từ thực phẩm hoặc chất bổ sung đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ khả năng suy nghĩ và trí nhớ minh mẫn khi lớn tuổi. 

Tăng cường miễn dịch 

Một trong những lý do chính mà mọi người bổ sung vitamin C là để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Nhất là trong mùa dịch bệnh hiện nay, nhiều người bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C để có sức đề kháng tốt hơn, tiếp thêm “năng lượng” cho việc học tập và làm online tại nhà. 

Đầu tiên, vitamin C giúp khuyến khích sản xuất các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho và tế bào thực bào, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. 

Thứ hai, vitamin C giúp các tế bào bạch cầu này hoạt động hiệu quả hơn đồng thời bảo vệ chúng khỏi bị hư hại bởi các phân tử có khả năng gây hại. 

Thứ ba, vitamin C là một phần thiết yếu của hệ thống phòng thủ của da. Vitamin C được vận chuyển tích cực đến da, nơi nó có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa và giúp tăng cường “hàng rào bảo vệ” của da. 

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống vitamin C có thể rút ngắn thời gian chữa lành vết thương. Hơn nữa, mức vitamin C thấp có liên quan đến kết quả sức khỏe kém. Ví dụ, những người bị viêm phổi có xu hướng có mức vitamin C thấp hơn và việc bổ sung vitamin C đã được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian hồi phục.

Sức đề kháng được xem là tấm lá chắn bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch bệnh. Vì vậy, bạn nên bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng để hồi phục sức khỏe khi ở nhà. Đồng thời, xây dựng lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn, phơi nắng ít nhất 15-30 phút mỗi sáng, để tinh thần luôn lạc quan, phấn khởi bạn nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook

Call

Mail

Zalo

Youtube